Việc nhà chỉ có mấy chữ: cơm nước, dọn dẹp và chăm con, nhưng nó lấy đi rất nhiều công sức và tâm trí của phụ nữ. Nếu trong gia đình không có sự cảm thông, chia sẻ thì mâu thuẫn chắc chắn xảy ra.
Người gửi: Luu Huong Giang
Tôi cũng là một người con dâu theo đúng nghĩa vì ở cùng gia đình chồng. Có nhiều điều không biết tỏ cùng ai. Sau nhiều năm tháng làm dâu và chứng kiến cảnh dâu con, chị dâu em chồng, và chị em dâu của những gia đình xung quanh, tôi tự nghiệm ra một điều, xin tham khảo ý kiến của các bạn, mong các bạn chia sẻ với tôi.
Mọi xung đột trong gia đình chung quy là mâu thuẫn về chia sẻ công việc. Ở cơ quan bạn có định mức công việc, có lương, thưởng, có Công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; nhưng ở trong gia đình không như thế. Chỉ bao gồm 6 chữ: cơm nước, dọn dẹp và chăm con, nhưng nó sẽ lấy đi rất nhiều công sức và tâm trí của người phụ nữ. Nếu trong gia đình không có sự cảm thông, chia sẻ thì mâu thuẫn chắc chắn xảy ra.
Bạn hãy hình dung đôi khi cuộc sống chỉ hai vợ chồng mà còn mâu thuẫn như chồng lười vợ chăm, vợ bẩn chồng sạch, nữa là gia đình có mẹ chồng, bố chồng, chị em bên chồng. Thêm người thêm việc…
Cuộc sống trong một đại gia đình, nếu ỷ lại hoàn toàn vào mẹ chồng, vô hình trung sẽ biến bà thành người giúp việc không công. Các con viện cớ đi làm cả ngày, tan sở nán lại cơ quan thêm… để trốn việc nhà thì gia đình đó không thể tồn tại quá 1 năm.
Ngược lại, nếu giữ quan niệm con dâu phải làm, con gái được nghỉ ngơi (thực tế có nhiều) thì cũng không thể duy trì lâu bền các mối quan hệ trong gia đình. Con dâu cũng như con gái, phải đi làm kiếm tiền, phải có trách nhiệm với chồng và con họ, ngoài ra cũng phải có trách nhiệm với bố mẹ đẻ của họ. Vậy thì làm sao sức họ có thể sẻ chia nhiều đến thế được? Tôi từng chứng kiến nhiều bà mẹ chồng chỉ làm cơm, phụ giúp con gái, tắm rửa cho cháu ngoại, dọn nhà gấp quần áo cho con gái. Nhưng đồ của gia đình con trai thì bà để nguyên như vậy chờ con dâu về làm.
Ngược lại, cũng nhiều người con dâu chỉ chăm lo đến gia đình mình, bố mẹ mình, không tình nghĩa với nhà chồng, như thế cũng tạo hố sâu ngăn cách giữa mọi người.
Tôi nghiệm lại trong lòng mình, với những trải nghiệm của mình, xin đưa ra ý kiến sau:
– Nếu là mẹ chồng, nên cố gắng có trách nhiệm với gia đình các con trai gái dâu rể công bằng. Nếu có thể, hãy tỏ ra thương yêu và quan tâm đến gia đình con dâu hơn, gia đình chỉ có cháu gái hơn (chưa có cháu trai), vì họ sẽ là những người dễ tủi thân, dễ để ý và so sánh. Còn với con gái ruột thịt, chỉ cần một lời tâm sự chân thành, con gái bạn sẽ hiểu tại sao bạn phải như thế và cô ấy cũng sẽ là đồng minh để làm mối quan hệ gia đình tốt đẹp hơn.
Nếu gia đình con trai, con dâu quá lười và ỷ lại, hãy tạo điều kiện để các con ra ở riêng, vừa nhẹ cho mình, vừa tập cho các con tự lao động và phục vụ. Đừng sợ điều tiếng của thiên hạ chuyên riêng chung. Có thể bí mật hoặc gián tiếp trợ giúp con bằng tiền bạc, sự quan tâm chăm sóc hỗ trợ như đón đưa các cháu lúc còn nhỏ, mua hộ miếng thịt ngon khi chợ sớm khi các con còn bận đi làm. Cuối tuần, tụ tập liên hoan sum vầy tại nhà ông bà.. Như thế mới là hạnh phúc.
– Đối với những người con trai và con gái ruột trong gia đình, cho dù trước đây bạn được cha mẹ cưng chiều không phải làm gì cả, nhưng khi đã có vợ có chồng, anh chị em dâu rể trong nhà thì hãy phát huy sự chủ động của mình, chăm chỉ trong các công việc nhà. Ví dụ: Nếu vợ chồng anh trai và em gái đều sống cùng bố mẹ thì người em gái nên nấu nướng cùng mẹ, mâu thuẫn sẽ ít hơn là để chị dâu nấu cùng mẹ chồng. Phân chia các công việc khác cho chị dâu như rửa bát (ít va chạm) và dọn dẹp.
Là con gái ở nhà mẹ, nếu bạn chăm chỉ thì chồng bạn cũng vui vẻ sung sướng, đỡ ngại câu “ở nhờ nhà vợ”. Bố mẹ bạn cũng đỡ gánh nặng, và bản thân người con rể thấy vợ làm thì chắc chắn anh ta cũng không ngại cùng tham gia vào việc nhà nếu cần. Người con trai trong gia đình đừng bì tỵ với anh em rể. Hãy chủ động và tế nhị, nếu chẳng may người rể kia có lười biếng thì cũng xử sự thật văn hoá và tình người.
– Về con dâu, nên cố gắng làm tốt bổn phận làm vợ, làm mẹ. Một người con dâu hiếu thuận sẽ được tình yêu của gia đình chồng. Nếu thực sự cảm thấy quá tải trong cuộc sống đại gia đình, bạn hãy bàn với chồng ra ở riêng, vẫn duy trì chăm lo thăm hỏi đến gia đình chồng, giỗ chạp cỗ bàn luôn đảm đang.
Không nên ngại điều tiếng riêng chung với thiên hạ; vì nếu ở chung mà mâu thuẫn thì thà ở riêng mà thân yêu quý mến nhau. Cuối tuần hoặc sinh nhật, lễ tết thì tụ tập vui vẻ, duy trì không khí đầm ấp quây quần thì rất quý. Ra riêng nếu là người phụ nữ đảm, bạn vẫn có thể có thời gian chăm sóc chồng con tốt hơn, và tạo điều kiện cho gia đình anh chị hoặc em chồng phải tự lập. Một thời gian sau, bố mẹ chồng sẽ hiểu và thấy được hiệu quả của những việc bạn làm.
Tôi xin có ý kiến như vậy, kính mong bạn đọc ở khắp nơi cùng cho ý kiến nhé. Xung quanh tôi có quá nhiều gia đình mẹ chồng mâu thuẫn với nàng dâu, chị dâu em chồng hoặc chị em dâu cãi nhau, không nhìn mặt nhau, nghĩ buồn quá. Tôi mong sao có thể cải thiện được điều này, và những bạn trẻ chưa va vấp cùng nhìn nhận, rút ra bài học của riêng mình. Tôi xin chân thành cảm ơn.